Văn Nghệ

 

Những Kỷ Niệm Khó Quên Về Khóa X

Chu-Xuân-Viên (TÐ10/ÐÐ3)

Những kỷ niệm sau đây hoàn toàn có tính cách cá nhân. Sự việc đã được kể lại theo trí nhớ, nhớ thế nào kể như vậy, và dĩ nhiên qua lăng kính chủ quan của người viết.

 

Tôi đến Ðà-Lạt nhập học khóa 10 khoảng đầu tháng 10, 1953 bằng xe lửa đi từ Sàigòn. Từ Phan-Rang, chuyến xe leo lên cao nguyên qua những sườn núi một cách khó khăn bằng móc sắt chạy giữa hai đường rầy. Những ga nhỏ đi qua với địa danh thật xa lạ đối với người con trai Hà-Nội lần đầu bước chân vào miền Nam: Tour Chàm, Mường Mán, Krong Pha, Belle Vue... Ðó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng tôi di chuyển bằng xe lửa trên quãng đường này.

Xứ Ðà-Lạt thật là đẹp và thơ mộng. Những đồi thông xanh rì, những biệt thự tráng lệ, bầu không khí trong lành, mát rượi, khiến ai từ cái thành phố Sàigòn nóng bức và bụi bậm đi lên cũng có cái cảm giác rũ sạch bụi trần để bước vào tiên cảnh. Hồi đó ảnh hưởng của Pháp vẫn còn sâu đậm. Với những tên và địa danh như Saint Beno۴, Lac des Soupirs, Hôtel du Parc, Saint Hubert, Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux, Crois du Sud... ta có ấn tượng đó là một thành phố nhỏ bên Pháp. Khuôn viên trường Võ Bị Liên Quân Ðà-Lạt mà hồi đó còn gọi là EMIAD (Ecole Militaire Inter-Armes de Dalat) nằm trong khu Saint Beno۴ cạnh bên trang trại của gia đình Fareau, người Pháp, và gần bệnh viện Catroux của người Pháp. Chỉ huy trưởng là người Pháp (Thiếu Tá Cheviotte), các đại đội trưởng là gnười Pháp, một số huấn luyện viên cũng là người Pháp, và ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Pháp, cho nên tất cả dường như đắm chìm trong một môi trường đặc sệt văn hóa Pháp.

Khóa 10 TVBLQD là khóa có đông đảo sinh viên sĩ quan nhất, hơn 500 người. SVSQ hồi đó gọi là "élève-officier", tất cả họp thành một tiểu đoàn khóa sinh gồm 4 đại đội: 1, 2, 3, 4. Tôi thuộc trung đội 10, đại đội 3, dưới quyền chỉ huy của thiếu úy Lê Văn Bẩy, trung đội trưởng, và đại úy pháo binh Besson, đại đội trưởng. Thiếu úy Bẩy là một người hiền lành, dễ thương, anh em ai cũng thương mến, còn đại úy Besson là một sĩ quan trí thức, lịch lãm, nghiêm túc nhưng không khắt khe. Mỗi trung đội khoảng 30 khóa sinh được phân phối 2 phòng ngủ, và tôi chia sẻ phòng ngủ với những bạn mà tôi còn nhớ tên như: Nguyễn Phước Bảo Thận, Lê Minh Ðảo, Nguyễn Ðình Vinh, Nguyễn Thế Thâu, Lê Văn Ngôn, Phan Bỉnh Kiên, Lầu Vinh Quay (người Nùng), V.V... Chơi thân nhất với tôi trong trung đội hồi đó là Bảo Thận. Chúng tôi gần gũi nhau vì một lý do rất đơn giản: cả hai đều thích nói tiếng Pháp và nhảy đầm. Bảo Thận là con của Hoàng Thân Vĩnh Cẩn, mới từ Pháp về để gia nhập trường võ bị và nói tiếng Pháp như "Tây con". Một thời gian sau tôi cũng thân thiết với Lê Minh Ðảo và Nguyễn Thế Thâu cũng vì những lý do đơn giản: thích đờn hát và tán gái. Bộ ba chúng tôi được trường đề cử tham gia chương trình văn nghệ của TVBLQD trên đài phát thanh Ðà-Lạt mồi tuần: Ðảo chơi guitare, Thâu đánh mandoline, còn tôi thì hát. Tôi được biết con người tài hoa đầ nghệ sĩ tính của Lê Minh Ðảo từ hồi đó. Anh chơi nhạc khí nào cũng hay: guitare, mandoline, hay piano, và biết rất nhiều bài hát đương thời của Pháp. Những ngày chủ nhật, cũng vẫn bộ ba ấy lại xách túi đờn đến nhà một cô gái mà chúng tôi quen biết để ca hát và tán dóc. Sống chung với nhau một căn phòng 14 người, sự giao tiếp lần đầu giữa kẻ Nam người Bắc đã đem lại những khám phá lý thú về ngôn ngữ. Lê Văn Ngôn chẳng hạn thường gọi tôi là "con ve" (ve sầu) và tôi cũng gọi anh là "con chốt" (tốt) bởi vì nó tượng trưng cho sự khác biệt về ngôn ngữ giữa hai miền.

Cũng vì ham nhảy đầm mà Bảo Thận và tôi đã có lần bị phạt. Tôi còn nhớ tối hôm ất hai đứa "nhẩy dù" đi nhảy tại nhà hàng Crois du Sud thì chẳng may lại đụng phải đại úy Besson đang du dương với một cô PAF người Pháp trên sàn nhảy. Tình thế tiến thoái lưỡng nan nên chúng tôi tính: đã liều thì cho liều luôn. Với sự tinh nghịch của tuổi trẻ ham chơi, chúng tôi bảo nhau dồn ép đại úy Besson vào một góc của sàn nhảy khiến hai người không nhúc nhích một hồi lâu. Sáng hôm sau, đại úy Besson gọi chúng tôi lên văn phòng. Trước hết ông khen chúng tôi là những gnười sinh viên sĩ quan lịch lãm, nhưng kết luận ông không thể tha chúng tôi được vì hai tộ: đã không có giấy phép mà lại còn đi quá giờ "couvre-feu". Và ông tặng chúng tôi mỗi người 8 củ "arrêt simple" (khinh cấm).

Những Vinh Dự của Ðời Sinh Viên Sĩ Quan

Học trình khóa 10 được chia ra làm ba gia đoạn. Trong gia đoạn 1, tôi rất xuất sắc về môn lý thuyết tác xạ (tức IGT, Instruction Générale du Tir) mà giảng viên là đại úy Besson. Có một lần tại giảng đường ông kiểm điểm lại bài thi và giảng giải về những điểm sai lầm của khóa sinh. Tôi không nhớ rõ nội dung, nhưng có một điểm ông nói mà sự chính xác làm tôi hồ nghi cho nên tôi đã đứng dậy để tranh luận. Hình như ông đuối lý vì thấy mình đã sai lầm, và để giảng hòa, ông nói: "Tôi cho anh 20 điểm, anh còn muốn gì nữa?" Hai mươi điểm là điểm tối đa, và khi ông thầy đã nói như vậy, học trò còn biết nói gì hơn là lặng lẽ cám ơn thầy?

Cuối giai đoạn 1, tôi được điểm cao nhất trường và coi như đỗ thủ khoa của giai đoạn ấy. Khi trung tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng QÐQGVN, lên viếng thăm trường vào cuối tháng chạp, tôi được đề cử chỉ huy toàn thể SVSQ của trường để trình diện và chào kính vị tư lệnh của quân đội tại vũ đình trường rộng lớn bao la. Cảm giác của tôi lúc ấy là xúc động và run sợ, xúc động vì vinh dự lớn lao, và run sợ vì không biết có phạm lỗi lầm gì không. Nhưng mọi việc đều trôi qua tốt đẹp, và tôi cũng không ngờ mình lại có giọng hô to và dõng dạc đến như thế. Sau đó trung tướng Hinh đứng trên lan can nói chuyện với anh em SVSQ bằng tiếng Pháp. Ông nói những gì, tôi không nhớ, tôi chỉ còn ấn tượng duy nhất là ông nói tiếng Pháp còn hay hơn nhiều người Pháp mà tôi đã được nghe.

Ngày mồng 1 tháng giêng 1954, thủ khoa của hai trường VBLQD và Quốc Gia Hành Chánh được quốc trưởng Bảo Ðại mời vào biệt điện để hội kiến và dự buổi tiếp tân đầu năm. Tôi mặc bộ quân phục đại lễ duy nhất bằng kaki vàng đi vào dinh và được sĩ quan nghi lễ giới thiệu với "Ðức Quốc Trưởng", Sa Majesté Bảo Ðại. Dáng người cao lớn, mập mạp, nước da ngăm đen, như thường lệ, ông mặc bộ đồ tây trắng, thắt cà-vạt đen và đeo kiếng dâm. Ông bắt tay tôi và chỉ khẽ gật đầu chứ không nói năng hay hỏi han điều gì. Ðó là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất tôi được gặp và bắt tay vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn. Cuộc tiếp tân được tổ chức ngoài vườn biệt điện với những món ăn thật ngon và quí giá, những quan khách ngoại giao, những nhân vật cao cấp, những phu nhân y phục lộng lẫy, tất cả cho ta cái phong vị sang trọng của một "garden party" điển hình của giới vương giả Anh quốc. Trong suốt buổi, tôi để ý chỉ thấy ông Bảo Ðại đứng chuyện trò với bà vợ người Pháp của trung tướng Hinh. Về phần tôi, vì cảm thấy lạc lõng và cũng chẳng biết nói chuyện với ai, nên tôi cứ lặng lẽ thưởng thức hết món nọ đến món kia một cách ngon lành khoái trá.

Ðồn Dassar

Giai đoạn 2 là giai đoạn thực tập hành quân dã chiến cấp tiểu và trung đội. Ðại đội tôi bắt đầu giai đoạn 2 bằng một cuộc chuyển quân và trú đóng tại đồn Dassar, cách Ðà-la-t vào khoảng 15 cây số về phía tây bắc. Trước đó, trong giai đoạn 1, trung đội tôi cũng có những buổi di hành và thực tập ngoài trời nhưng chỉ ở những bãi tập gần trường. Leo đồi leo núi cũng khá mệt nhọc, nhưng có điều đặc biệt là với khí hậu Ðà-Lạt chỉ cần dừng chân nghỉ ngơi dăm ba phút là lại thấy sung sức ngay. Sau những buổi di hành như vậy, việc đầu tiên khi về đến trường là xà ngay vào "foyer" (câu lạc bộ) SVSQ làm một ly "si-rô soda sữa" mát lạnh, một thứ giải khát pha chế đặc biệt mà tôi cho là chì Trường Võ Bị Ðà-Lạt mới có và chỉ SVSQ trường này mới biết thưởng thức cái hương vị và tác dụng giải lao độc đáo của nó. Cũng có khi bọn tôi rà xuống câu lạc bộ tư nhân của ông Mô người Huế để tẩm bổ bằng món bít-tết thịt nai rừng hay bún bò Huế, và tôi nhớ mãi mỗi lần đều ký bông thiếu nợ cuối tháng trả. Thời gian đóng đồn Dassar là thời gian nhớ nhất cái ly si-rô soda sữa của người SVSQ Ðà-Lạt.

Ðồn Dassar là một cứ điểm phòng thủ cấp đại đội được xây dựng với mục đích huấn luyện trên một quả đồi, gồm có một căn nhà trại và những công sự bao quanh như giao thông hào, ụ súng máy và lô cốt. Tình hình an ninh trong khu vực rất tốt cho nên địa điểm này được xủ dụng làm nơi thực tập cho từng đại đội SVSQ. Chúng tôi bắt đầu chương trình thực tập bằng một cuộc hành quân dã chiến cấp trung đội theo những phương hướng đã vạch sẵn. Tuy an ninh nhưng phải nói địa thế vùng này khá hiểm trở, và có những vùng mà trên bản đồ chưa vẽ tới. Ði theo phương hướng của địa bàn, chúng tôi đi lạc lung tung vì có bao giờ được đi thẳng đường cò bay đâu? Nào phải trèo đèo, nào phải lội suối, có những giốc quá cao mà quá trơn, bò lên lại tụt xuống nhiều lần, lên đến nơi thấy một vực thẳm với con suối sâu hun hút bên dưới, lại phải tìm hướng khác mà đi. Quanh quẩn hồi lâu mà trời đã tối nên cũng phải dừng quân đóng lều nghỉ chân qua đêm mà lòng dạ cứ thắc mắc không biết mình đang ở đâu, cách đồn bao xa. Sáng dậy, lại tiếp tục di chuyển cho đến xế chiều thì may thay phát hiện được con đường đồi đất đỏ, thế là về được tới đồn.

Trong một tuần lễ ở đồn Dassar, ngoài cuộc di hành nói trên, chúng tôi chiếm đóng những vị trí phòng ngự quanh đồn và đêm đến ngủ ngay tại vị trí. Ban ngày thì thực tập tác xạ, đặc biệt là súng cối 60 ly. Tôi nhớ mãi buổi sáng hôm ấy, dưới sự giám sát của đại úy Besson, đại đội trưởng, cả trung đội tôi xum sít quanh vị trí súng cối để coi thầy Bẩy, với tư cách huấn luyện viên, biểu diễn dùng súng cối 60 ly phá hủy mục tiêu. Mục tiêu là một túp lều tranh nhỏ nằm dưới cánh đồng thung lũng cách ngọn đồi chúng tôi khoảng nửa cây số. Thầy Bẩy ngồi xệp cạnh súng, dán con mắt vào ống kính ngắm và loay hoay vặn các núm điều chỉnh. Xong xuôi thầy ra lệnh khai hỏa. ục... một phát rời khỏi nòng súng nhưng không trúng. Thầy lại ngắm ngắm, vặn vặn một hồi, ục... một phá nữa, cũng lại không trúng. Rồi cứ phát nọ tiếp nối phát kia đến dăm trái, cú thì "lông", cú thì "cua", nhưng đều vô hiệu, mục tiêu vẫn trơ trơ nằm đó như thể trêu ngươi. Lúc này thầy Bẩy đã đỏ mặt toát mồ hôi, và đại úy Besson cũng có vẻ nóng ruột lắm. Bỗng nhiên ông truyền lệnh: "Viên, ra thay thế." Tôi vô cùng ngạc nhiên và làm theo mệnh lệnh nhưng trong lòng không khỏi run sợ, vì tuy nắm vững lý thuyết nhưng đây là lần tôi thực sự bắn phát súng cối 60 ly đầu tiên trong đời. Tôi ngồi vào vị trí chỉ huy cạnh súng thay thầy Bẩy và nhìn qua kính ngắm. Và tôi thấy ngay là thầy Bẩy đã làm hai lỗi lầm căn bản. Thứ nhất là mặt phẳng của trục nòng súng không thẳng đứng tại mục tiêu. Thứ hai là khi ước lượng tầm xa, thầy đã không chiết tính bù trừ cho sự cách biệt giữa độ cao của súng và của mục tiêu. Và tôi biết tôi phải làm những gì. Sau khi xê xịch lại bàn tọa súng cho ngay ngắn, và đ۷u chỉnh mục tiêu kỹ càng, tôi ra lịnh khai hỏa. ục... một tiếng và chỉ một tiếng, lạ thay và như có phép mầu, túp lều mục tiêu bỗng nổ tung và bốc cháy. Cả trung đội vỗ tay hoan hô rầm trời và đại úy Besson cũng cười hả hê sung sướng. Là thầy dạy, ông biết tôi giỏi lý thuyết tác xạ nhưng thật quả là ông đã đánh bạc khi tin tưởng đứa học trò cưng của ông cũng biết áp dụng lý thuyết đó vào thực tế. Kỷ niệm này là một kỷ niệm tôi nhớ mãi trong đời binh nghiệp.

Ðồ Sơn: Trận Phục Kích Ðịnh Mệnh

Chúng tôi bắt đầu gia đoạn 3 bằng mất tuần lễ thực tập tại Ðồ Sơn và Bãi Cháy ở ngoài Bắc khoảng đầ tháng 3, 1954. Tiểu đoàn SVSQ được chia làm hai, một nửa ra Bãi Cháy, một nửa đi Ðồ Sơn, và trung đội tôi thuộc nhóm đi Ðồ Sơn. Trước đó, khi kết thúc giai đoạn 2, cộng chung, tôi vẫn có số điểm cao nhất trường và tiếp tục đóng vai thủ khoa. Ðiều bất ngờ là trước khi đi đã có sự thay đổi các cấp chỉ huy đại đội và trung đội. Ðại đội tôi giờ đây do trung úy Chevotte, một sĩ quan Lê Dương Pháp cao lệnh khệnh, chỉ huy. Trung đội tôi cũng có một sĩ quan huấn luyện viên khác thay thấy Bẩy. Ðó lá thiếu úy Nguyễn Văn Th., một sĩ quan tốt bụng nhưng hay làm những bộ điệu ngang tàng.

Tại Ðồ Sơn chúng tôi ở trong những căn lều tập thể được dựng lên trên bãi cát trong rừng thông. Trong ngày đầu có những bài giảng lý thuyết, và lần đầu tiên tôi đã được nghe một vị sĩ quan Pháp thuyết trình về chiến thuật "Nhất Ðiểm Lưỡng Diện" của Lâm Bưu mà Việt Minh đã áp dụng thành công trong những trận đánh tại Bắc Việt. Những ngày sau đó là hành quân thực tập, chủ yếu là phục kích đêm và tấn công cấp đại đội. Tình hình tại khu vực Kiến An giữa Ðồ Sơn và Hải Phòng, vùng chúng tôi thực tập, là một thứ tình hình "xôi đậu". Ðêm phục kích đầu tiên, trung đội tôi ếm quân tại một bờ ruộng cao, phấp phỏng chờ đợi... Tôi còn nhớ khi ấy là tháng 2 âm lịch, trời lạnh như cắt ruột mà chúng tôi phải ngâm nửa mình dưới ruộng nước, và cái áo choàng dạ mặc ngoài tuy dầy cộm nhưng cũng sưởi ấm được là bao. Xa xa một phía chân trời ánh lên một vùng mờ sáng phản chiếu ánh đèn của phi trường Cát Bi, Hải Phòng. Quá nửa đêm bỗng thấy trên mặt bờ đê có vài bóng đen mờ ảo xuất hiện. Chúng tôi tức thì nổ súng một chập, nhưng chỉ nghe thất tiếng lõm bõm dưới ruộng rồi im lặng. Sáng hôm sau, quan sát thì chẳng thấy một vết tích gì cả. Ðó là địch quân, dân làng, hay chỉ là ảo ảnh? Cũng chẳng ai biết rõ.

Trong trận thực tập tấn công vào một làng địch chiếm ở Kiến-An, đại đội SVSQ chúng tôi được một đại đội Bảo An yểm trợ. Chúng tôi di chuyển đến gần vị trí thì dừng lại và bố trí án ngữ dọc những bờ ruộng khô. SVSQ, thật ra, chỉ giữ vai trò quan sát, còn nhiệm vụ tấn công là của Bảo An. Một trung đội Bảo An tiến về phía làng thì lốp đốp lốp đốp có tiếng súng từ trong bắn ra. Một anh lính Bảo An bị trúng đạn giữa trán được đồng đội khiêng đi, và tôi quan sát thấy trung úy đại đội trưởng mới của tôi nằm rạp bên bờ ruộng không dám ngửng đầu lên. Trong lúc đó thì một viên chuẩn úy Bảo An rất trẻ tuổi, có râu mép, vẫn hiên ngang đứng, tay khoa khoa chiếc ba toong chỉ huy thúc quân tiến liên. Ðó là hình ảnh của người chỉ huy gan dạ nơi chiến trận vẫn còn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Cuộc phục kích thực tập lần thú hai có sự phối hợp toàn đại đội va diễn ra tại một địa điểm có những ruộng khô và có những bờ cao rộng, gần một vài làng nghi ngờ là có địch quân. Xẩm tối, trung đội tôi và hai trung đội bạn tới vị trí phục kích theo kế hoạch đã chỉ định, và chuẩn bị các ổ súng nằm chờ. Trời đã tối hẳn từ lâu. Xa xa trước mặt, trong làng bỗng có tiếng chó sủa và và ánh đèn leo lét. Một vài anh em đi kế bên thiếu úy trung đội trưởng cho đó là dấu hiệu có địch quân. Sau đó, chẳng hiểu vì lý do ấy hay vì lý do nào khác mà bỗng nhiên thiếu úy Th. ra lệnh cho trung đội di chuyển đến một địa điểm khác. Theo binh thư nói về tổ chức phục kích đêm, đó là điều tối kỵ, nhưng đã là lệnh thì phải thi hành. Lúc di chuyển tự nhiên tôi đi tụt lại phía sau, và với vai trò trung đội phó, tôi đi đoạn hậu bên cạnh toán trung liên. Trong đêm tối, chúng tôi dò dẫm lần mò đi dưới ruộng một hồi lâu mà không biết địa điểm tới là ở đâu, còn bao xa. Tới một phía khác thì bỗng nhiên có nhiều tiếng súng nổ và đạn bay chíu chíu về phía chúng tôi. Chạm địch, tôi đoán thế, và nằm ép dưới bờ đường. Tôi ra lệnh cho toán trung liên khai hỏa nhưng một hồi lâu chẳng thấy động tĩnh gì nên tôi bò lại gần xạ thủ hỏi tại sao không bắn. Anh xạ thủ, tôi không nhớ là ai, run run bảo tôi: "Tao sờ mãi... không thấy cò đâu." Tuy run sợ vì tiếng đạn rít trên đầu, tôi cũng suýt phì cười. Ðúng là cò súng trung liên BAR nằm tụt thật sâu phía trong, ban ngày cũng còn khó thấy nữa là đêm tối. Tôi bèn đẩy anh sang một bên, ôm lấy súng và chưa kịp bóp cò thì nghe thấy đằng trước có tiếng ai hô: "Contournez vers la droite!" Thật kỳ lạ, chẳng có lẽ bây giờ Việt Minh lại nói tiếng Tây? Thôi chết rồi, đúng là quân mình, chứ còn ai vào đây. Nghĩ vậy, tôi bụm hai bàn tay làm loa và lớn tiếng nói: "Có phải EMIAD đó không?" Tức thì có tiếng bạn đáp lại, và bọn chúng tôi lập tức ngưng bắn và đổ xô lên mặt đường cùng lúc với những anh em trung đội bạn, hai bên tiến tới ôm lấy nhau mà khóc ròng.

Khi phát giác có người bị thương, anh em liền vào những túp lều tranh gần đó gỡ lấy những cánh cửa hay cánh phản để dùng làm cáng. Tôi còn nhớ rất rõ là đã bế xốc Tôn Thất Tiến trên tay. Bụng anh bị một vết thương to như cái bát và máu chảy như suối. Anh khò khè đòi nước uống vì khát. Tôn Thất Biên thì bị thương ở cằm khá nặng. Tiến đã tắt thở khi được khiêng về tới bệnh xá của trại, còn Biên được mang ra Hải Phòng cứu chữa nhưng cũng chết sau đó vài hôm. Ôi! Những người trai trẻ xếp bút nghiên theo việc đao cung, công chưa có mà danh cũng không. Một cách oan uổng, các anh đã hy sinh. Môt cách lãng nhách. Chỉ vì một lỗi lầm chiến thuật sơ đẳng. Môt lỗi lầm mà không một người sĩ quan nào có thể phạm nếu thật xứng đáng là huấn luyện viên. Môt thời gian sau đó, không còn thấy thiếu úy Th. trong chức vụ huấn luyện viên. Công lý đã thắng nhưng làm sao bù lại được cái chết của hai bạn tôi? Thôi nhé, hãy nằm yên trong giấc ngủ thiên thu. Ngoài gia đình và người yêu, ít ra cũng đã có tôi và cả trung đội khóc cho các bạn.

Mãn Khoá

Sau khi ở ngoài Bắc về trường, chúng tôi chuẩn bị thi mãn khóa.  Gay go và quan trọng nhất là môn tác chiến vì hệ số của nó rất cao.  Giám khảo của tôi về môn này là đại úy Nguyễn Ngọc Khôi, và đề tài ông hỏi tôi là phục kích.  Sau khi tôi trình bày sự bố trí lực lượng và hỏa lực cũng như ý niệm điều quân hay cách đánh, đại úy Khôi có phê bình vài điểm mà tôi cho là quá chủ quan nên tôi đã cãi lại để bênh vực ý kiến của mình.  Tôi cùng ông tranh luận hồi lâu bằng tiếng Pháp nhưng rốt cuộc ai cũng cho ý kiến của mình là phải.  Ðó là một lỗi lầm của tính hiếu thắng, gần như kiêu ngạo của tôi hồi ấy.  nó đã đem lại hậu quả không ngờlà ông hcỉ cho tôi có 15 điểm trên 20.  Với số điểm tương đối thấp như vậy mà hệ số lại cao nên điểm trung bình của tôi đã xuống dốc thảm hại.  Ðồng thời, với sự thay thế đại úy Besson, tôi đã mất đi một điểm tựa để vớt vát lại bằng sự phê điểm (cote dõamour) của cấp chỉ huy.  Kết quả là đang đứng số 1 tôi đã tụt xuống số 5 trong bảng xếp hạng toàn khóa.

Tuy nhiên, với thứ hạng như vậy tôi vẫn được cái vinh dự dẫn đầu một đại đội trong cuộc diễn binh mãn khóa ngày 1/6/1954 tại đại lộ Nguyễn Huệ, Sàigòn.  Tôi hôm ấy, tôi cũng được mời dự dạ tiệc do trung tướng Hinh khoản đãi tại tư dinh của ông.  SVSQ Ầà-Lạt về Sàigòn diễn binh chỉ có ônhất bộ nhất báiọ, một bộ tiểu lễ đơn giản, bây giờ đã ướt đẫm mồ hôi và nhàu nát dơ dáy, vậy thì quần áo nào để đi dự dạ tiệc bây giờ?  Thôi cũng đành chứ sao, mình là thiếu úy mới ra trường mà, cần gì.  Thế là tôi cứ đánh nguyên bộ quần áo đi diễn binh mặc từ sáng sớm mà đến tư dinh trung tướng Hinh. 

Gọi là dạ tiệc nhưng thực sự tối hôm ấy chỉ là một bữa cơm thân mật gồm hai món chính:  heo sữa quay và cháo gà.  Thực khách cũng không nhiều lắm, và năm anh em SVSQ được mời chia nhau ngồi ở những bàn nhỏ cùng với quan khách.  Tân thủ khoa Nguyễn Tấn Ầạt và người số 2 Nguyễn Văn Hai, mà anh em thường gọi là ôHai Tâyọ, ngồi cùng bàn với trung tướng Hinh, ngay cạnh bàn tôi ngồi, chuyện trò có vẻ rất rôm rả.  Tôi được sắp xếp ngồi cùng một bàn 4 người với tướng Alessandri, tư lệnh quân đội Pháp tại Bắc Việt, và tướng OõDaniel, trưởng phái bộ MAAG.  Tối hôm ấy tôi lại có cơ hội trổ tài nói tiếng Pháp và tiếng Anh với 2 vị tướng lãnh cao cấp, và trong câu chuyện tôi quên bẵng đi cái mặc cảm mình chỉ là một thiếu úy quèn mới ra lò mà quần áo lại quá xập xệ.  Có lẽ tôi thích hợp với vai trò ngoại giao hơn là quân sự chăng?

Thế là đám tân sĩ quan hơn 400 người của khóa 10 tung ra bốn phương trời như những sợi bồ công anh trước gió, mỗi người theo đuổi một sự nghiệp riêng.  Có vài anh đã lên tới cấp tướng, một anh lẹt đẹt ở cấp úy, nhưng đa số thuộc hàng ngũ ôtrung lưuọ cấp tá.  Khoảng một phần năm đã hy sinh, một số bị tật nguyền, nhưng, dù còn sống hay đã chết, tất cả đã góp phần xương máu hay mồ hôi vào công cuộc bảo vệ đất nước một cách thành tâm, anh dũng.  Người SVSQ khóa 10 ở mọi nơi, mọi chức vụ, đã xứng đáng và phải hãnh diện về vai trò lãnh đạo của mình trong một giai đoạn cam go nhất của lịch sử.

Giờ đây, ôn lại những kỷ niệm mà tôi đã sống cách đây 40 năm và suy gẫm về những biến cố thăng trầm của đấ nước cũng như cuộc đời của chính tôi và của những bạn đồng khóa, tôi mới nhận ra một sự thực là:  Tiền bạc, của cải, danh vọng, sự nghiệp... tất cả đều có thể phú chốc tan biến đi như mây trời, khói nước.  Duy chỉ có tình người ố đặc biệt là tình đồng đội và tình bằng hữu giữa những người cùng học chung duới một mái trường ố mới thật sự là bền vững và đáng trân trọng bởi vì nền tảng của nó là tình cảm vô vị lợi chứ không phải là lý trí so đo.

McLean, Ngày 1/6/1993,
Ðể
ỷ Niệm ngày ra trường 1/6/1954